Làm sao để test hiệu quả hơn?
Với những Tester mới vào nghề thường hay loay hoay trong việc bắt đầu test, đặt câu hỏi làm sao mình test được tốt hơn, hiệu quả hơn. Điều đó kể cả những người đã có kinh nghiệm đôi khi cũng sẽ đặt câu hỏi mình test đã hiệu quả chưa hay làm sao để mình tối ưu thời gian việc test mà hiệu quả được tốt hơn.
Tư duy của Tester ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả việc test, nếu bạn biết cách trau dồi, cải thiện kỹ năng của mình thì mọi thứ sẽ hiệu quả hơn rất nhiều. Ngoài ra, bạn cũng cần tuân thủ các nguyên tắc kiểm thử và có những kỹ năng cần thiết trong quá trình kiểm thử như:
1. Cần hiểu được yêu cầu bài toán, luồng nghiệp vụ
Trong quá trình kiểm thử bạn không nên quá tập trung vào bắt lỗi các các chức năng riêng lẻ như thêm thành công, sửa thành công, xóa thành công hay thất bại,… Bạn cũng cần hiểu được yêu cầu nghiệp vụ phần mềm mình đang làm là gì, có luồng nghiệp vụ ra sao, chức năng tích hợp với nhau như thế nào và làm sao để đạt được bài toán. Vì mục tiêu chính của phần mềm là chạy đúng yêu cầu nghiệp vụ khách hàng, ngoài BA thì Tester cũng cần phải nắm rõ nghiệp vụ yêu cầu bài toán, vì bạn muốn test đúng thì bạn phải hiểu cách vận hành và nghiệp vụ của ứng dụng. Đặc biệt, nếu bạn chưa kịp hay chưa nắm rõ nghiệp vụ để test khi dự án sắp golive có thể trong quá trình golive lên môi trường khách hàng sẽ xảy ra nhiều vấn đề mà bạn có thể gặp phải.
2. Bạn cần có kế hoạch kiểm thử
Trước khi bắt đầu kiểm thử, hãy lập kế hoạch và xác định các mục tiêu cần đạt được trong giai đoạn dự án cần thực hiện những chức năng nào. Kế hoạch này nên bao gồm các chiến lược kiểm thử cho mỗi mô-đun hoặc chức năng của phần mềm. Bạn cần có checklist chức năng phân chia theo độ ưu tiên, tập trung làm theo độ ưu tiên thì sẽ hiệu quả hơn. Vì đôi khi dự án gấp bạn không thể nào thực hiện kiểm thử mọi chức năng. Nếu bạn chưa biết ưu tiên cái nào thì hãy hỏi PM/manager rằng giai đoạn này chúng ta tập trung phát triển module nào. Độ ưu tiên luôn bắt đầu từ việc thiết kế tài liệu, nên chúng ta sẽ bám sát nó để thực hiện lập kế hoạch kiểm thử, viết checklist, test case. Việc thực hiện test có kế hoạch bám sát theo mức độ ưu tiên sẽ giúp phát hiện những issue quan trọng trước cần xử lý và giúp hoàn thành sớm chức năng quan trọng cần thiết.
3. Bạn cần học cách viết các bộ kiểm thử chất lượng
Bộ kiểm thử chất lượng (kịch bản testcase) là các bộ kiểm thử được thiết kế để đảm bảo rằng phần mềm đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng. Bạn nên tạo các bộ kiểm thử chất lượng cao để đảm bảo rằng các ca kiểm thử đủ chất lượng và đầy đủ để đảm bảo tính ổn định và đáng tin cậy của phần mềm.
Một bộ kiểm thử không phải dài là chất lượng. Mà bạn nên tập trung vào chất lượng bộ testcase hơn là số lượng, viết dài nhưng không đúng trọng tâm, bạn nên hiểu kỹ nghiệp vụ bài toán, nắm được chức năng mình test là gì, cần làm gì để tìm ra những lỗi quan trọng có thể ảnh hưởng tới người dùng.
Và là một tester chúng ta luôn phải đặt mình ở vị trí người dùng, cần hiểu sản phẩm mong muốn điều gì, hiểu đặc tả, để có thể dự đoán ra những case khó và tìm ra lỗi sớm.
4. Bạn cần sử dụng các kỹ thuật kiểm thử
Sử dụng các kỹ thuật kiểm thử phù hợp để đảm bảo tính hiệu quả, tiết kiệm thời gian và độ bao phủ của các trường hợp kiểm thử. Bạn nên sử dụng các kỹ thuật kiểm thử như phân vùng tương đương, phân tích giá trị biên, lập bảng giá trị, hay dự đoán lỗi. Điều này sẽ giúp ích cho bạn sẽ tập trung hơn vào các case chính và tìm có thời gian tìm hiểu ra các lỗi logic quan trọng hơn.
5. Cần luôn cập nhật kiến thức cho mình
Trong quá trình làm việc bạn sẽ gặp những tình huống mà mình chưa có kinh nghiệm giải quyết, không biết cách xử lý sao, ví dụ như khi bị từ chối bug bạn làm gì, trình bày vấn đề nhưng dev không hiểu… Mỗi việc xảy ra lại một bài học. Học từ sai lầm của mình hoặc quan sát từ những người xung quanh để nâng cao kiến thức cho bản thân.
Đặc biệt, không ngại việc đặt câu hỏi. Nếu chưa hiểu thì hỏi BA, hỏi Dev, hỏi leader hay những người chịu trách nhiệm việc để tránh việc test quy trình sai yêu cầu bài toán dẫn đến việc mất thời gian, không hiệu quả. Và khi chốt vấn đề bạn luôn cần phải ghi chép lại để xác nhận việc đó mình đã hiểu và làm đúng.
Leave a Comment